Các nhà nghiên cứu hy vọng có thể sử dụng công nghệ này để tạo ra một nhà máy điện tại cửa sông: khu vực nước sông đổ ra đại dương. Theo đó, những "ắc quy entropy" (ắc quy nhiệt động lực hỗn hợp theo tên gọi) sẽ có các điện cực được nhúng vào vùng nước sông và nước biển để tạo ra dòng điện.

Việc tạo ra điện từ sự chênh lệch hàm lượng muối trong nước ngọt và nước biển không phải là một điều quá mới mẻ. Điển hình như công ty Statkraft của Na Uy đã xây dựng một nhà máy điện thử nghiệm công nghệ trên. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu Stanford do phó giao sư khoa học và kỹ thuật vật liệu Yi Cui dẫn đầu tin rằng phương pháp của họ sẽ hiệu quả hơn và chi phí xây dựng rẻ hơn.
Các nhà máy điện từ nước ngọt/nước biển hoạt động bằng cách thải ra năng lượng qua quy trình thẩm thấu. Nhóm nghiên cứu từ Stanford hướng đến lợi dụng năng lượng nhiệt động lực từ sự tương tác giữa nước ngọt và nước biển với các điện cực của ắc quy. Từ đó, một ắc quy nhiệt động lực hỗn hợp sẽ hoạt động bằng cách trao đổi chất điện phân giữa 2 trạng thái sạc và xả. Ion trong nước gồm natri và clo là 2 nguyên tố nguyên thủy của muối. Nước càng mặn thì lượng ion natri và clo càng nhiều và điện áp xuất ra càng cao.
 Ắc quy ban đầu sẽ được đổ đầy nước ngọt và sạc. Sau đó, nước ngọt được thay bằng nước muối. Do nước muối có lượng icon nhiều hơn gấp 60 đến 100 lần nước ngọt nên điện thế sẽ tăng và ắc quy có thể xả ở điện áp cao hơn, mang lại nhiều điện hơn. Sau khi pin được xả hết, nước muối sẽ cạn và nước ngọt lại được đổ vào để bắt đầu lại quy trình.
Nhằm tăng hiệu suất của ắc quy, điện cực dương được làm từ các thanh măng-gan dioxit có kích thước nano. Trong khi đó, điện cực âm được làm bằng bạc. Thiết kế của các thanh điện cực giúp tăng 100 lần bề mặt tương tác với ion natri so với các vật liệu khác đồng thời cho phép ion di chuyển ra vào điện cực một cách dễ dàng. Theo báo cáo từ nhóm nghiên cứu Stanford, hiệu suất chuyển đổi năng lượng tiềm năng từ ắc quy sang điện đạt 74% và giáo sư Yi Cui tin rằng hiệu suất có thể đạt 85% nếu công nghệ tiếp tục được phát triển.
01:19 May 5, 2011 Theo: Gizmag
|